Chi phí logistics ở Việt Nam hiện trung bình ở mức 16-17% GDP trong khi chi phí này tại Nhật Bản chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%…
Lâu nay, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực. Với hoạt động xuất nhập khẩu, chi phí logistics thấp là một lợi thế cạnh tranh cho cả quốc gia và doanh nghiệp. Không chỉ thế, hoạt động xuất nhập khẩu còn cần khả năng linh hoạt và phương án tối ưu của logistics khi bối cảnh thế giới liên tục có những diễn biến khó lường.
Như cuộc khủng hoảng kéo dài ở Biển Đỏ khiến hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo phản ánh của Cục Hàng hải và các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến Bờ Đông nước Mỹ đã tăng hơn 70%, giá cước sang châu Âu cũng tăng mạnh tới 3-4 lần. Vì thế, hoạt động thương mại với châu Âu và khu vực Bắc Mỹ vốn chiếm hơn 28% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2024.
Theo các chuyên gia RMIT, xung đột cũng khiến phí bảo hiểm và chi phí nhiên liệu tăng cao, gây thêm áp lực tài chính cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chính vì thế, các chuyên gia này cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cơ quan quản lý và những doanh nghiệp khác để chia sẻ rủi ro và xây dựng giải pháp chung cho các tuyến thương mại quan trọng.
Có thể thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng chính là giúp các doanh nghiệp logistics có cơ sở và động lực cho phát triển. Do đó, chi phí hợp lý, công khai và minh bạch về giá… sẽ góp phần hỗ trợ cả chuỗi cung ứng vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp cũng cần mở rộng đầu tư công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh… giúp hoàn thiện các dịch vụ, kéo giảm chi phí và thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần sự chia sẻ của cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ thông tin để lên kế hoạch ứng phó kịp thời. Ngoài ra, chính sách quản lý về logistics cần tập trung và kịp thời, từ việc quản lý tốt hoạt động doanh nghiệp cho đến đảm bảo về hạ tầng giao thông, đồng bộ quy hoạch trung tâm logistics, mạng lưới logistics mang tính kết nối liên vùng, kết nối giữa các trung tâm sản xuất, các khu công nghiệp… Đây là những “nút thắt” thường thấy cần được tháo gỡ.