Đề xuất sớm khôi phục các cặp cửa khẩu, chợ biên giới để thúc đẩy giao thương Việt – Trung

haidv

Sau thời điểm Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới (8/1/2023), hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chưa tăng như kỳ vọng. Hiện các cơ quan chức năng đang tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn.


Công chức Chi cục Hải quan Tân Thanh hướng dẫn DN thực hiện đóng gói hàng hóa là nông sản theo đúng quy định của đối tác. Ảnh: H.Nụ

Hiệu suất còn hạn chế

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chỉ duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng. Các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới còn lại chưa được khôi phục hoạt động kéo theo hiệu suất thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mới đạt khoảng 75% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực hội đàm và đề xuất phía Trung Quốc phối hợp mở lại cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới đã đóng gần 3 năm nay.

Thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, tính đến hết ngày 14/3, các đơn vị hải quan cửa khẩu đã tiếp nhận và xử lý cho 23.985 bộ tờ khai hàng hoá XNK với kim ngạch đạt 622.446 triệu USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số tờ khai hàng hóa XK được các DN đăng ký với 10.560 bộ tờ khai đạt trị giá 284.386 triệu USD, tăng 348,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên ở chiều NK với 13.425 bộ tờ khai đạt trị giá 338.060 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, từ ngày 8/1, các hoạt động XNK, XNC theo phương thức truyền thống tại cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh đã dần được khôi phục, giúp cho lượng phương tiện được làm thủ tục thông quan đạt xấp xỉ 1.000 phương tiện/ngày. Con số này không tăng mạnh như kỳ vọng, nguyên nhân một phần do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa hai bên giảm sau dịp tết Nguyên đán, một phần do hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chịu sự kiểm tra, giám sát khá chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại khu vực cửa khẩu, hiện lượng phương tiện chở hàng hóa XNK từ nội địa lên khu vực cửa khẩu của hai nước Việt Nam – Trung Quốc đang tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây ứ tại cửa khẩu. Đặc biệt, khi khôi phục phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống, lượng xe không sau khi trả hàng hóa (xe Trung Quốc) tồn tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng tăng lên khiến diễn ra tình trạng ùn ứ tại khu vực barie trong quá trình xuất cảnh về Trung Quốc, ông Hoàng Khánh Duy nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Lê Nguyễn Lạng Sơn chia sẻ, thời điểm này, việc XK mặt hàng nông sản sang Trung Quốc đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan chức năng tạo điều kiện và giải quyết làm thủ tục thông quan hết trong ngày, hàng tồn cuối ngày rất ít. Tuy nhiên, so với thời điểm khi chưa có dịch bệnh hiệu suất thông quan hàng của DN chỉ đạt khoảng 50-60%. Điều này cũng hạn chế rất nhiều đến kế hoạch kinh doanh, phát triển của DN.

Cần khôi phục nhanh các cửa khẩu phụ

Dù các cơ quan chức năng Lạng Sơn tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK trên địa bàn, nhưng để tăng cường hơn nữa năng lực thông quan hàng hóa, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Lạng Sơn cần đẩy mạnh trao đổi, hội đàm các cấp với phía Trung Quốc về nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, gỡ bỏ các điều kiện về xét nghiệm; khôi phục trở lại các cửa khẩu phụ; kéo dài thời gian làm việc của lực lượng chức năng tại các cửa khẩu…

Theo bà Trần Thị Hằng, đại diện Công ty CP vận tải Thái Việt Trung, việc mở lại cửa khẩu phụ giúp hoạt động XNK hàng nông lâm thủy sản nhanh chóng hơn do các cửa khẩu chính như Tân Thanh, Hữu Nghị được giảm tải. Bên cạnh đó, cửa khẩu mở lại thì các bến bãi sang tải hàng hóa được khởi động lại giúp tạo việc làm, giảm tắc đường xuất hàng khi nhu cầu phía Trung Quốc tăng cao.

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Hoàng Khánh Duy cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần đề nghị phía Trung Quốc khôi phục lại tất cả các cửa khẩu phụ do nhu cầu trao đổi giữa 2 bên rất lớn. Phía Lạng Sơn cũng nhấn mạnh với phía Trung Quốc về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tại tất cả các cửa khẩu phụ đều đã sẵn sàng, có thể hoạt động được ngay nếu như được thông quan trở lại. Cụ thể, tại buổi trao đổi, hội đàm diễn ra ngày 10/2, phía Lạng Sơn đã đề xuất với phía Trung Quốc mở lại cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình và Pò Nhùng để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Qua buổi làm việc, phía Trung Quốc cho biết đang rà soát và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để khôi phục hoạt động của các cửa khẩu phụ. Theo đó, ngay khi cấp có thẩm quyền phê duyệt, phía Trung Quốc sẽ thông tin lại.

Cũng theo ông Hoàng Khánh Duy, Ban quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn kỳ vọng sắp tới thí điểm nhiều phương án hoạt động XNK hàng hóa tại các cửa khẩu, thúc đẩy sớm triển khai mô hình “cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan. Đồng thời, các bên vận hành hiệu quả “luồng xanh” thông quan nhanh nông sản tại cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài.

Để chuẩn bị cho buổi hội đàm giữa Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc) dự kiến diễn ra sắp tới đây, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài cho biết, Hải quan Lạng Sơn đề xuất, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cần đề nghị phía Trung Quốc sớm khôi phục lại hoạt động XNK hàng hóa tại các cặp cửa khẩu, chợ biên giới Na Hình, Bình Nghi, Nà Nưa, Bản Chắt, Pò Nhùng, Co Sâu. Đồng thời, phía Quảng Tây cần tạo luồng riêng cho mặt hàng ô tô, phương tiện vận tải NK qua cửa khẩu Lạng Sơn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Đặc biệt, Hải quan Lạng Sơn đề xuất lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị phía Trung Quốc báo cáo lãnh đạo cấp trên thúc đẩy sớm việc ký kết Nghị định thư bổ sung thêm các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam XK qua cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam như: khoai lang, ớt, bưởi, na, hải sản tươi sống, đồ gỗ mỹ nghệ… được XK vào thị trường Trung Quốc.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Email

QR Code Wechat