Quy Trình Kiểm Tra Sau Thông Quan – 8 Bước Bạn Cần Biết
Doanh nghiệp bạn nhận được Quyết định kiểm tra sau thông quan và đang rất hoang mang về việc này. Vậy quy trình kiểm tra sau thông quan là như thế nào? Có ảnh hưởng đến việc kinh doanh hay sản xuất của bạn không?
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn bằng chi tiết các bước trong quy trình kiểm tra sau thông quan.
Quy Trình Kiểm Tra Sau Thông Quan Gồm 8 Bước:
Bước 1: Thu thập, phân tích, nhận định thông tin.
Bước 2: Đề xuất kiểm tra theo dấu hiệu, rủi ro
Bước 3: Người có thẩm quyền quyết định
Bước 4: Thực hiện kiểm tra
Bước 5: Báo cáo kết quả kiểm tra
Bước 6: Kết luận kiểm tra
Bước 7: Quyết định xử lý kết quả kiểm tra
Bước 8: Cập nhật phản hồi hệ thống và lưu trữ
Nào hãy cùng ANT VINA Logistics tìm hiểu chi tiết hơn về 8 bước trong quy trình kiểm tra sau thông quan bạn nhé:
Bước 1: Thu Thập, Phân Tích, Nhận Định Thông Tin.
Thu thập thông tin là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của công chức/nhóm công chức thực hiện trong quy trình kiểm tra sau thông quan. Nguồn thông tin thường được thu thập từ hệ thống cơ sở dữ liệu hải quan hoặc thu thập thông tin bằng văn bản từ người khai hải quan.
Khi này người thu thập thông tin sẽ ưu tiên các nguồn dữ liệu trên các hệ thống trên các cơ sở dữ liệu và hoạt động nghiệp vụ của ngành hải quan. Nếu kết quả thu thập thông tin từ cơ quan hải quan có dấu hiệu rủi ro nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng thì sẽ tiến hành thu thập thêm thông tin từ người khai hải quan.
Trên cơ sở các nguồn thông tin, nội dung thông tin thu thập được, công chức/nhóm công chức thực hiện phân loại hồ sơ, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các các mức độ rủi ro khác nhau.
Đối với trường hợp được phân loại có mức độ rủi ro cao, công chức/nhóm công chức thực hiện tra cứu, rà soát thông tin, dữ liệu trong hệ thống thông tin quản lý tờ khai hải quan (đã được thông quan trong thời hạn 5 năm) từ đó thực hiện lựa chọn đề xuất kiểm tra.
Bước 2: Đề Xuất Kiểm Tra Theo Dấu Hiệu, Rủi Ro
Sau khi thực hiện phân tích thông tin, nhóm công chức sẽ tiến hành lựa chọn đối tượng kiểm tra. Lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan tại trụ sở chi cục Hải quan và trụ sở chi cục Kiểm tra sau thông quan.
Đối với kiểm tra tại chi cục Hải quan, những trường hợp thường được lựa chọn kiểm như: hàng hóa luồng xanh chưa được kiểm tra thực tế trước đó, trường hợp có dấu hiệu vi phạm, có rủi ro thuế.
Bước 3: Người Có Thẩm Quyền Quyết Định
Người có thẩm quyền ký ban hành Quyết định kiểm tra theo quy định tại Điều 144 Thông tư 38/2015/TT-BTC xem xét đề xuất của công chức/nhóm công chức về dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, kế hoạch được giao để phê duyệt nội dung đề xuất và ký ban hành Quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan/trụ sở người khai hải quan theo mẫu số 01/2015-KTSTQ (Đoàn kiểm tra/nhóm kiểm tra phải có ít nhất 2 người).
Quyết định kiểm tra phải có số, ký hiệu, phải được đơn vị mở sổ theo dõi từ khi phát hành đến khi cập nhật xong kết quả xử lý vụ việc.
Bước 4: Thực Hiện Kiểm Tra
Căn cứ Quyết định kiểm tra đã được ký, Trưởng đoàn kiểm tra họp đoàn kiểm tra phân công việc chuẩn bị, lập kế hoạch kiểm tra chi tiết:
-Phạm vi kiểm tra; nội dung kiểm tra; thời gian kiểm tra; dự kiến những công việc phải làm; phân công nhiệm vụ cho các thành viên của đoàn kiểm tra; dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý tình huống; thông tin liên lạc; kế hoạch hậu cần,…) để tổ chức, thực hiện cuộc kiểm tra.
4.1. Công Bố Quyết Định Kiểm Tra
Nội dung công bố gồm: trách nhiệm, quyền hạn của trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo quy định pháp luật;
Yêu cầu người khai hải quan kiểm tra lại nội dung của Quyết định trước khi tiếp nhận Quyết định kiểm tra;
Những công việc người khai hải quan phải làm và những gì phải cung cấp; bản quyết định được trao cho người có thẩm quyền đại diện cho người khai hải quan
4.2. Ký Biên Bản Công Bố Quyết Định Kiểm Tra
Việc công bố quyết định kiểm tra được lập thành Biên bản công bố Quyết định kiểm tra theo mẫu số 09/2015-KTSTQ tại phiên/ngày làm việc đầu tiên tại trụ sở người khai hải quan.
Người công bố quyết định kiểm tra và người đại diện có thẩm quyền của người khai hải quan cùng ký vào Biên bản công bố (người khai hải quan đồng thời đóng dấu trên Biên bản công bố).
4.3. Tiến Hành Kiểm Tra
Có 2 hình thức kiểm tra sau thông quan là tại Trụ sở cơ quan Hải quan và tại Trụ sở doanh nghiệp. Việc lựa chọn hình thức kiểm tra phụ thuộc vào Cơ quan Hải quan quyết định.
- Tại Trụ sở cơ quan Hải quan:
Thời gian kiểm tra kéo dài tối đa 5 ngày. Nhóm kiểm tra sẽ làm rõ nội dung kiểm tra, các dấu hiệu nghi vấn, yêu cầu người khai hải quan giải trình, làm rõ và cung cấp chứng từ, tài liệu chứng minh.
Khi người khai hải quan có ý kiến giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra thì giải trình bằng văn bản, hồ sơ, tài liệu (được người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp ký, đóng dấu), kèm dữ liệu điện tử (nếu có) chứng minh nội dung giải trình.
- Tại Trụ sở doanh nghiệp:
Thời gian kiểm tra kéo dài tối đa 10 ngày. Việc kiểm tra, lập biên bản, ký biên bản, các hồ sơ tài liệu cần thiết người khai hải quan phải cung cấp, xuất trình được thực hiện theo kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn kiểm tra.
Trong thời gian thực hiện quyết định kiểm tra, nếu phát hiện các tình tiết mới cần phải xác minh thì Trưởng đoàn thực hiện việc xác minh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ký văn bản, triển khai thực hiện kiểm tra phân công người khác xác minh theo đề nghị của Trưởng đoàn kiểm tra.
Bước 5: Báo Cáo Kết Quả Kiểm Tra
Sau khi kết thúc thời gian kiểm tra, trong thời hạn tối đa 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.
Nhóm kiểm tra/đoàn kiểm tra lập báo cáo, đề xuất xử lý kết quả kiểm tra theo các trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 142 và khoản 4, Điều 143 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Người có thẩm quyền ký thông báo kết quả kiểm tra/kết luận kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo xử lý các công việc liên quan đến kết quả kiểm tra theo quy định.
Bước 6: Kết Luận Kiểm Tra
Dự thảo kết luận kiểm tra: Kết thúc kiểm tra, người có thẩm quyền kết luận kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo Đoàn kiểm tra lập dự thảo Bản kết luận kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan
Bước 7: Quyết Định Xử Lý Kết Quả Kiểm Tra
Sau khi có kết quả sau kiểm tra, bộ phận chức năng sẽ thực hiện xử lý các công việc liên quan đến kết quả kiểm tra như quyết định ấn định thuế, Xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp có vi phạm, giải quyết kiểu nại, tham gia giải quyết tố tụng hình sự.
Bước 8: Cập Nhật Phản Hồi Hệ Thống Và Lưu Trữ
Trên đây là chi tiết các bước thực hiện quy trình kiểm tra sau thông quan. Trong quy trình này đa phần được thực hiện bởi các cơ quan chức năng của Cục Hải quan.
Vì vậy, về phía doanh nghiệp không cần phải quá lo lắng khi nhận quyết định KTSTQ, chỉ cần chuẩn bị đủ hồ sơ cần thiết và hợp tác thực hiện với nhóm kiểm tra
Xem thêm: Quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu
Vừa rồi là bài viết giới thiệu chi tiết về 8 bước trong quy trình kiểm tra sau thông quan mà bất kì doanh nghiệp xuất nhập khẩu nào cũng cần biết. Nếu bạn có thắc mắc và cần tư vấn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn giải pháp phù hợp nhất.