Không khí trầm lắng của hoạt động thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… được dự báo sẽ sớm kết thúc cùng với những chiến lược gắn bó lâu dài của các nhãn hàng, nhà bán lẻ đối với thị trường Việt Nam đang mở ra triển vọng tươi sáng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường, xã hội… sẽ giúp DN Việt Nam nắm chắc cơ hội phục hồi.
Hoạt động thương mại tại các thị trường chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ sớm ấm lại. Trong ảnh: Tàu cập cảng làm hàng tại cảng Gemalink, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Đơn hàng mới đang trở lại
Phát biểu tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ tổ chức ngày 21/11, ông Greg Testerman, Chủ tịch AmCham Việt Nam đánh giá năm 2023 là một năm khó khăn đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Hiện tại, tồn kho tại Mỹ vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, mùa Giáng sinh là mùa sôi động nhất của bán lẻ, nhưng năm nay tình hình được dự báo sẽ khá trầm lắng. Tuy nhiên, ông Greg Testerman cũng cho biết, có một số tín hiệu cho thấy các nhà bán lẻ và các nhãn hàng ở Mỹ sẽ tung ra những chiến dịch bán hàng giảm giá trong mùa mua sắm cuối năm để kích thích sức mua. Điều này sẽ giúp giải quyết được lượng lớn hàng tồn kho tồn đọng suốt năm qua và những nhu cầu mới, đơn hàng mới sẽ trở lại vào đầu năm sau.
Ông Ed Gresser, nguyên Trợ lý đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Thương mại và thị trường toàn cầu – Viện Nghiên cứu tiến bộ (PPI) cũng đánh giá, sau mức tăng đột biến trong 2 năm trước do bị dồn nén trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, sức mua tại Mỹ đã giảm mạnh trong năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài mà sẽ có sự phục hồi trong năm 2024.
Tại thị trường EU, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, trong quý 3/2023, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU đạt 15,12 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sự suy giảm này đã chậm lại đáng kể so với mức giảm 10% của quý 1 và 9,7% của quý 2/2023. Bên cạnh đó, kinh tế EU đang dần phục hồi với mức lạm phát tiếp tục được điều chỉnh sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu dùng hàng hóa tại khu vực trong thời gian tới, nhập khẩu cũng sẽ dần cải thiện khi tồn kho giảm và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao. Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU dự báo có thể phục hồi kể từ quý 4/2023. Đặc biệt, EVFTA được đánh giá là một lợi thế lớn cho Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore.
Về phía nhà sản xuất Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, kể từ đầu quý 4/2023, tình hình đơn hàng trong ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu cải thiện. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng chia sẻ, dù chưa trở lại mức như năm 2022, nhưng tình hình đơn hàng đã bắt đầu có tín hiệu khả quan.
Chuyển đổi sản xuất để tạo lợi thế cạnh tranh
Qua trao đổi với các tập đoàn lớn, ông Ed Gresser cho biết, các nhãn trong ngành thời trang, may mặc và giày dép tại Mỹ đều cho biết Việt Nam hiện là nguồn cung cấp lớn thứ hai với các lợi thế về chi phí sản xuất; lực lượng lao động ngày càng có tay nghề; sự linh hoạt để sản xuất được nhiều loại hình, thiết kế quần áo khác nhau… Về mặt mà thuế quan, Việt Nam cũng đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với Trung Quốc. Chính vì vậy, dù hoạt động mua hàng tại Việt Nam trong năm 2023 có sụt giảm do tác động từ sức mua yếu, song các nhãn hàng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó với các nhà sản xuất của Việt Nam.
Bà Rama Chug, Phó Chủ tịch phụ trách thu mua và may mặc của Walmart đánh giá, Việt Nam là nhà cung cấp rất quan trọng của Walmart. Hiện nhà bán lẻ hàng đầu thế giới này đã có văn phòng đại diện tại TPHCM để thực hiện tìm kiếm và thu mua hàng hóa của Việt Nam. Theo bà Rama Chug, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển và mở rộng thêm thị phần trong Walmart. Bởi sau khi trải qua khủng hoảng chuỗi cung ứng, Walmart đã đưa ra chiến lược đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng. Theo đó, nhà bán lẻ này đang có những giải pháp tích cực để phát triển thêm nhà cung cấp, đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng.
Nhãn hàng Nike cũng đang đưa ra chiến lược tương tự. Bà Angela Ho, Tổng giám đốc Nike Việt Nam cho biết, Nike đang nỗ lực gia tăng khả năng chống chịu cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Cụ thể là đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tự động hóa và phát triển năng lực cho đội ngũ nhân sự trong nội bộ công ty và cả các nhà cung cấp.
Trước những cơ hội đang ngày càng rõ nét từ sự hồi phục của thị trường cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng của các nhãn hàng, các DN Việt Nam cũng phải vượt qua những thách thức không nhỏ từ yêu cầu mới từ phía các nhãn hàng liên quan đến vấn đề môi trường. Nếu kịp thời chuyển đổi, những thách thức này sẽ biến thành lợi thế cạnh tranh cho các DN Việt Nam. Ông Giovana Rojas, Giám đốc điều hành Target Việt Nam, Thái Lan, Campuchia nhận định, những ngành sản xuất hàng loạt, chỉ chú trọng về năng suất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và sức mua giảm. Ở thời điểm hiện tại, trước áp lực từ người tiêu dùng, các nhãn hàng đều đặt ra yêu cầu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đối với nhà sản xuất. Theo đó, những địa điểm sản xuất nào đáp ứng kịp thời những yêu cầu này sẽ có được lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cũng đánh giá, để khai thác hiệu quả thương mại và đầu tư với EU, việc tuân thủ các quy định của EU như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) chính là chìa khóa. Việc Việt Nam áp dụng chính sách định giá carbon phù hợp với CBAM sẽ giúp cho xuất khẩu của Việt Nam có tính cạnh tranh. Hơn nữa, việc tuân thủ các chỉ thị của CSDDD thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh bền vững, minh bạch. Việc tuân thủ các yêu cầu này sẽ giúp Việt Nam bảo vệ các mối quan hệ thương mại hiện có với EU và mở ra cơ hội cho các mối quan hệ mới.
Là một trong những DN đã tiên phong chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi có thể là rào cản, là thách thức nhưng bù lại chi phí vận hành sau chuyển đổi sẽ thấp hơn, hình ảnh thương hiệu được đánh giá cao hơn, mức độ tin cậy đối với người tiêu dùng tăng lên giúp DN dễ dàng tiếp cận được nhiều thị trường hơn. Theo đó, lợi ích thu về khi DN chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững theo yêu cầu của thị trường sẽ lớn hơn chi phí đầu tư chuyển đổi.
(Nguồn Haiquanonline)