Quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AIFTA) đối với hàng hóa nói chung, trong đó của sản phẩm dệt may, được cụ thể hóa tại Thông tư 15/2010/TT-BCT.
Quy tắc chung
Quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AIFTA) đối với hàng hóa nói chung, trong đó của sản phẩm dệt may, được cụ thể hóa tại Thông tư 15/2010/TT-BCT.
Theo đó, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên (ASEAN hoặc Ấn Độ) nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu; hoặc
Trường hợp 2: Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về Quy tắc xuất xứ được Quy định cụ thể trong Hiệp định
Đối với trường hợp 2: Cụ thể, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo AIFTA, hàng hóa cần đáp ứng được một trong các tiêu chí:
– Hàm lượng giá trị AIFTA không dưới 35% trị giá FOB; và
– Nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó trải qua ít nhất một lần chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp sáu (6) số (CTSH) của Hệ thống hài hòa; với điều kiện công đoạn sản xuất cuối cùng phải được thực hiện tại lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu.
Công thức tính hàm lượng giá trị AIFTA 35% như sau:
(a) Công thức trực tiếp
(Chi phí nguyên vật liệu có xuất xứ AIFTA + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí phân bổ trực tiếp + Chi phí khác + Lợi nhuận) / Giá FOB x 100% ≥ 35%
(b) Công thức gián tiếp
(Trị giá của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm không có xuất xứ AIFTA + Trị giá của nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm không xác định được xuất xứ) / Gi á FOB x 100 % ≤ 65%
Trong đó:
Giá trị của nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là:
(i) Trị giá CIF tại thời điểm nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm; hoặc
(ii) Giá xác định ban đầu của các nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến
Các nước thành viên được linh hoạt trong việc sử dụng phương pháp tính hàm lượng AIFTA, có thể lựa chọn sử dụng phương pháp tính trực tiếp hoặc phương pháp tính gián tiếp nhưng khi đã lựa chọn thì phải sử dụng cố định một phương pháp.
Nếu thay đổi thì phải thông báo cho các nước khác ít nhất là sáu (6) tháng trước ngày áp dụng phương pháp tính mới.
Nước thành viên nhập khẩu sẽ tiến hành kiểm tra hàm lượng AIFTA trên cơ sở phương pháp tính hàm lượng AIFTA do nước thành viên xuất khẩu sử dụng.
Quy tắc cụ thể mặt hàng
Bên cạnh những quy tắc chung nói trên, trong AIFTA cũng có một phần quy định về Quy tắc cụ thể mặt hàng.
Theo đó, những sản phẩm đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng được coi là có xuất xứ từ nước thành viên nơi thực hiện các công đoạn gia công, chế biến sản phẩm đó. Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng có thể được bổ sung sau khi Hiệp định có hiệu lực theo thương lượng của các nước thành viên.
Hiện tại, AIFTA vẫn chưa có phần nội dung về Quy tắc cụ thể mặt hàng với sản phẩm dệt may.
Các vấn đề khác
Quy tắc chủ đạo
Nhóm hàng dệt may trong AIFTA tuân thủ quy tắc “Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm” hay còn gọi là “Từ cắt may trở đi”. Theo đó, chỉ cần Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm được thực hiện trong khu vực FTA thì thành phẩm sẽ được coi là “có xuất xứ” theo FTA đó.
Quy tắc cộng gộp
Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định ở trên, sau đó được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của một Nước thành viên khác, để sản xuất ra một sản phẩm đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định AIFTA, sẽ được coi là có xuất xứ của Nước thành viên nơi sản xuất hoặc chế biến ra sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan đó.
Đối với tiêu chí RVC, chỉ khi nào sản phẩm (nguyên liệu hoặc hàng hóa) đáp ứng tiêu chí RVC tối thiểu (35%) thì mới được xem xét cộng gộp, khi đó là cộng 100% trị giá FOB của nguyên liệu/ bán thành phẩm vào quá trình sản xuất tiếp theo để tạo ra thành phẩm.
Quy định riêng đối với hàng dệt và sản phẩm dệt
Một sản phẩm hay nguyên liệu sẽ không được coi là một sản phẩm có xuất xứ của một Nước thành viên nếu nó chỉ trải qua duy nhất một trong các quá trình như sau:
– Các công đoạn kết hợp đơn giản, dán mác, là, ép, làm sạch hoặc giặt khô hoặc các công đoạn đóng gói hoặc bất kỳ một sự phối hợp nào của các quá trình này;
– Cắt theo chiều dài hay chiều rộng và viền, móc hay may đè vải nhằm sử dụng cho một hình thức thương mại đặc biệt;
– Cắt tỉa và/hoặc ghép với nhau bằng cách may, tạo vòng, ghép nối, gắn các phụ kiện như nẹp áo, dải, thắt lưng, dây vòng hoặc khuyết;
– Một hay nhiều công đoạn hoàn tất cho sợi, vải hoặc các sản phẩm dệt khác như tẩy trắng, chống thấm, co kết, làm bóng hoặc các công đoạn tương tự; hoặc
– Nhuộm hoặc in hoa vải hoặc sợi.
Danh sách các sản phẩm dệt phải tuân thủ quy định trên được đính kèm trong Phụ lục 3, Thông tư số 15/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ.
(Theo Vietnambiz)